Shopping không còn là nhu cầu mà nay đó chính là sở thích. Việc mua sắm áo quần ngày càng một nhiều hơn. Lúc trước có thể một năm chúng ta chỉ shopping một lần, nhưng nay tần suất đó đã tăng dần lên bởi chúng ta luôn muốn cập nhật những xu hướng thời trang mới nhất. Lượng áo quần cũng chính vì thế mà ngày càng được sản xuất nhiều hơn. Để đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Fast Fashion đã ra đời và hiện nay đã trở nên phổ biến.
Vậy Fast Fashion là gì? Lợi ích cũng như tác động của Fast Fashion đến môi trường ra sao? Hãy cùng chúng tôi tham khảo những thông tin dưới đây.
- Fashionista là gì? 5+ bước để trở thành Fashionista chính hiệu
- Global Brand là gì? Điểm khác biệt giữa Global Brand và Local Brand
I. Fast Fashion là gì?
1. Khái niệm
Fast Fashion – thời trang nhanh được định nghĩa là những loại áo quần có giá rẻ được may nhanh chóng bởi các nhãn hàng thời trang thông dụng dựa trên những ý tưởng, thiết kế từ các bộ trang phục trên sàn catwalk hay của các thương hiệu thời trang nổi tiếng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng.
Fast Fashion đã làm cho những bộ trang phục đang được xem là thời thượng, đỉnh cao, độc quyền trở thành những bộ áo quần được bán đầy rẫy ở khắp mọi nơi.
2. Tại sao lại có Fast Fashion
- Ngày nay khi quan niệm ăn no mặc ấm được thay thế bởi ăn ngon mặc đẹp đã khiến mỗi con người chúng ta thay đổi cách nhìn nhận về quan điểm sống. Thay vì tiêu chí mặc ấm, thì nay con người ngày càng mong muốn mình được nổi bật hơn, phong cách hơn và luôn muốn thay đổi bề ngoài của mình để trong con mắt người đối diện mình luôn mới mẻ.
- Thời trang đối với con người ngày càng quan trọng, nhất là cập nhật những mẫu mới hay những thiết kế mới để tủ đồ có thể trở nên phong phú và đa dạng hơn.
- Vào những năm 1970, khi thời trang đã phủ kín hầu hết khắp mọi nơi, con người đã dần thích nghi với nhiều mẫu mã hơn. Nhưng vì sự phân biệt giữa thời trang đường phố và thời trang cao cấp nên mọi người vẫn chưa được sử dụng những mẫu hàng hoá đắt tiền. Nắm bắt được nhu cầu này của người tiêu dùng, các hàng may mặc bình dân đã nhanh chóng nghĩ ra ý tưởng fast fashion nhằm đáp ứng kịp thời được lượng tiêu thụ hàng hoá cho khách hàng.
- Cho đến đầu năm 2000, Fast Fashion đã đạt đến đỉnh cao, ai cũng có thể mua áo quần giá rẻ với đa dạng các mẫu thiết kế ở khắp mọi nơi. H&M, Zara và Topshop là các cửa hàng thời trang bán lẻ chuyên lấy những ý tưởng thiết kế từ những hãng thời trang hàng đầu để sản xuất ra hàng loạt các loại trang phục có giá rẻ hơn. Vi thế cho nên Fast Fashion phát triển nhanh một cách chóng mặt.
3. Cách nhận biết một thương hiệu Fast Fashion
- Là thương hiệu có đa dạng về phong cách thời trang, cập nhật nhanh nhất những xu hướng thời trang đang thịnh hành.
- Thời gian để những sản phẩm được bày bán so với quãng thời gian mà các sản phẩm được trình diễn trên sàn catwalk rất ngắn.
- Được sản xuất ở những nơi đông người lao động, nơi có nhân công rẻ.
- Hàng hoá có sự giới hạn, với ý tưởng chỉ sản xuất một lượng áo quần đủ cung cấp trong một khoảng thời gian ngắn, người tiêu dùng bắt buộc phải mua những gì họ thích nếu không sẽ không có hàng để mua.
- Chất liệu được thay thế bởi những loại có giá thành rẻ hơn như polyester. Làm cho chất lượng của sản phẩm nhanh xuống cấp hơn.
4. Những cửa hàng Fast Fashion lớn
Zara và H&M là hãng thời trang lớn trong việc áp dụng ý tưởng thời trang nhanh. H&M được thành lập vào năm 1947 ở Châu Âu, là công ty thời trang Fast Fashion lâu đời nhất trên thế giới. Hãng được mở rộng hơn vào năm 1976 tại Lon Don, và được mở tại Hoa Kỳ vào năm 2000.
Còn Zara được thành lập vào năm 1975 tại Tây Ban Nha. Đến năm 1990, Zara được biết đến là một cửa hàng Fast Fashion với tốc độ sản xuất hàng thiết kế chóng mặt. Chỉ với 15 ngày, một sản phẩm đã được lên kệ với các khâu hoàn chỉnh bao gồm lên ý tưởng, thiết kế cho đến hoàn thiện sản phẩm và bày bán trong cửa hàng.
Ngoài hai tên tuổi lớn trên, ngày nay có rất nhiều cái tên khác được xướng tên Fast Fashion như UNIQLO, GAP, Primark, Topshop…hay những cửa hàng có giá thành thấp hơn cả như Missguided, Forever 21, Zaful, Boohoo và Fashion Nova.
II. Lợi ích của Fast Fashion
1. Đối với các cửa hàng bán lẻ
- Ý tưởng Fast Fashion giúp cho các cửa hàng bán được nhiều sản phẩm, doanh thu và lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, họ có thể tung ra thị trường các sản phẩm có chất lượng kém hơn nhưng vẫn không bị hao hụt lượng khách hàng.
- Những mẫu thiết kế mới được sản xuất liên tục khiến khách hàng cảm thấy sự đổi mới trong cửa hàng đa dạng hơn, góp phần tăng thêm nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng.
- Fast Fashion còn giúp cho các cửa hàng có thêm được lượng khách mới thông qua sự kết nối giữa những khách hàng với nhau. Nhiều người cũng muốn nắm bắt được xu hướng thời trang mới nên đã nhanh chóng trở thành những người tiêu dùng mới.
2. Đối với khách hàng
- Không phải bỏ ra một khoản chi phí quá lớn để có được mẫu thiết kế mới mà mình mong muốn. Đến với các cửa hàng bán lẻ Fast Fashion, họ có thể tha hồ lựa chọn các loại trang phục mà họ yêu thích nhưng không phải băn khoăn hay lo lắng gì đến giá cả.
- Những người tiêu dùng có sở thích thay đổi vẻ bề ngoài liên tục thì họ sẽ thường sắm sửa nhiều áo quần hơn. Và chỉ có Fast Fashion mới có thể đáp ứng đượcnhu cầu của họ. Sự đổi mới trong mẫu mã, thiết kế giúp họ trở nên luôn mới mẻ trong mắt người đối diện.
III. Tác động của Fast Fashion đến môi trường
1. Nguồn nguyên liệu bị cạn kiệt
Với tốc độ sản xuất áo quần để có thể đáp ứng nhanh cho người tiêu dùng như thế này đòi hỏi cần phải có một lượng nguyên liệu đầu vào hùng hậu. Để cung cấp đủ nguyên liệu cho việc dệt vải, những nguyên liệu cần phải được tăng tốc sản xuất như sợi bông, sợi lanh, sợi tơ… hay các nhiên liệu hoá thạch để làm nguyên liệu tổng hợp cần phải được khai thác nhiều hơn, tốc độ hơn mới có thể đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất quần áo.
2. Khí hậu thay đổi
Những nguyên liệu tổng hợp như để có thể sản xuất ra sợi vải, cần phải có một quá trình sử dụng các chất xúc tác và các phản ứng hoá học giữa các chất với nhau. Hay để sản xuất ra các sợi len thì cần phải nuôi nhiều cừu, chất thải của động vật càng nhiều thì càng làm tăng chất metan (CH4). Tất cả những loại khí này làm cho toàn cầu bị nóng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu.
3. Ảnh hưởng đến động vật
Nhiều nơi hiện nay vẫn thu hoạch lông cừu, dê…bằng cách giết chết. Vì vậy để có đủ lượng sợi len sản xuất áo quần thì số lượng các loại động vật lấy lông sẽ bị giết hại rất nhiều.
4. Ô nhiễm nguồn nước
Số lượng áo quần sử dụng nhiều thì tất nhiên số lượng áo quần bị thải đi càng nhanh hơn. Khi tủ đồ đã quá đầy thì những bộ áo quần cũ nhanh chóng trở thành rác thải. Thay vì tái chế hay quyên góp, nhiều nơi phải tốn chi phí để xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Việc đổ chất hóa học độc hại như thuốc nhuộm, đã khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề làm cho cá và các loại sinh vật khác không thể sống được. Ngoài ra sự ô nhiễm này có tác động đến cuộc sống của con người vì sự ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
5. Ảnh hưởng đến công nhân
Fast Fashion gây ra những tác động trực tiếp lên những người công nhân may mặc. Tiền lương mà công nhân nhận được rất thấp nhưng họ phải làm việc trong môi trường nguy hiểm. Họ phải làm việc trực tiếp với các chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần của chính họ.
6. Những tác động khác
Việc phát triển ngày càng nhanh của Fast Fashion làm cho không khí bị ô nhiễm nặng nề. Đơn giản như nguyên liệu cotton, để có được lượng cotton lớn cũng cấp cho việc may áo quần thì bắt buộc cây bông phải được trồng nhiều và nhanh hơn. Việc tăng tốc sự sinh trưởng của cây trồng bắt buộc cần phải sử dụng các loại thuốc trừ sâu và thuốc tăng trưởng làm cho môi trường bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người.
Việc bỏ đi những loại áo quần cũ đã làm cho số lượng rác thải ngày càng một lớn hơn. Nhiều quốc gia vẫn đang còn tìm cách để xử lý rác thải, cách giải quyết thì chưa có nhưng bù lại lượng thải ra thì ngày càng nhiều. Làm cho rác thải ngày càng tăng, bốc mùi hôi khó chịu làm ảnh hưởng đến không khí môi trường.
IV. Cách cải thiện xu hướng Fast Fashion
Fast Fashion có tác động rất xấu đối với thiên nhiên và môi trường, vì vậy mỗi cá nhân bản thân phải biết tự điều chỉnh làm sao để giảm đi được lượng áo quần sản xuất nhanh.
1. Bài toán 30 lần
Để có thể giảm bớt được lượng áo quần mua vào hay chạy theo xu thế, bạn phải thực hiện bài toán 30 lần. Nếu mua bộ trang phục này có sử dụng được 30 lần hay không. Nếu câu trả lời là có thì bạn hãy nên mua, còn nếu không thì phải dứt khoát không chọn. Khi số lượng áo quần bán ra ngày càng giảm thì lượng đầu vào cũng sẽ giảm theo.
2. Thay đổi thói quen mua sắm
Cố gắng tìm hiểu nhiều hơn về đặc tính của tưng chất liệu vải như độ thấm hút, độ co giãn, độ giữ ẩm hay độ giữ nhiệt…để biết được rằng sản phẩm đó có phù hợp với nơi ta sống hay không. Hay sản phẩm đó có thể dùng được trong các điều kiện thời tiết khácnhau hay không. Từ đó, chúng ta có thể giảm tải được số lượng áo quần mua vào cũng như thải ra.
Và không ngại ngần khi bỏ ra một số tiền lớn hơn để chọn được các sản phẩm đắt tiền, thân thiện với môi trường và đặc biệt là chất lượng của sản phẩm. Điều này giúp áo quần của chúng ta lâu hỏng hơn, sử dụng được lâu dài hơn.
Trước khi mua một bộ áo quần, bạn nên tập thói quen cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua. Không những tiết kiệm được tiền mà còn giúp góp phần bảo vệ cho môi trường.
3. Thu xếp lại tủ đồ
Trong tủ đồ áo quần, bạn phải biết rằng có những loại áo quần nào còn sử dụng được để biết cách xử lý chúng. Đơn giản như có một cái áo bị rách, bạn phải biết cách may lại hoặc đem đi sửa để có thể sử dụng tiếp, tránh lãng phí việc đi mua thêm áo quần.
Với những món đồ bạn không còn thích nữa, bạn có thể thanh lý hoặc đem đi quyên góp. Không nên loại bỏ chúng như rác thải.
4. Tìm hiểu kỹ các nhãn hàng
Trước khi mua áo quần, bạn nên chọn các nhãn hàng ưu tiên đến các vấn đề về môi trường. Có thể nhìn trên nhãn mác hoặc cập nhật thông tin để biết được loại áo quần mà mình lựa chọn được làm từ nguyên liệu gì, từ đó mới có thể biết chúng có tác động như thế nào đến môi trường, phân huỷ hay ít phân huỷ hay không phân huỷ. Cái này chúng ta phải dần làm quen để giúp cho mỗi trường không bị rác thải ứ đọng lâu dài.
V. Những con số đáng chú ý của ngành thời trang
- Fast Fashion thải ra không khí khoảng 1.2 tỉ tấn CO2 mỗi năm.
- Toàn thế giới đang tiêu thụ số lượng áo quần tăng 400% so với hai thập kỷ trước.
- Ngành thời trang thế giới đã sản xuất ra 52 xu hướng thời trang tương ứng với 52 mùa trong một năm. Trong khi đó một năm chỉ có 4 mùa.
- Lượng khí thải cacbon của ngành thời trang chiếm 10% lượng khí thải cacbon được tính chung cho các ngành còn lại.
- Cần đến 2700 lít nước để sản xuât một chiếc áo thun.
- Cần đến 7000 lít nước để tạo ra một cái quần jeans
- Ngành thời trang gây ô nhiễm môi trường chỉ đứng sau dầu mỏ.
- Ngành công nghiệp thời trang chiếm 93 tỉ mét khối nước trong một năm.
Xem thêm:
- Thời trang bền vững là gì? Làm sao để thời trang thân thiện với môi trường?
- Kinh doanh quần áo có lời không? 7 quy tắc vàng từ người đi trước
Fast Fashion đem lại lợi ích thì ít nhưng ảnh hưởng đến môi trường thì lại quá nhiều. Hy vọng rằng, trong tương lai các cửa hàng Fast Fashion sẽ giảm số lượng sản xuất hàng hoá hoặc thực hiện các chương trình xanh để giúp cho môi trường hạn chế được các tác hại không đáng có.
Có thể bạn quan tâm:
Các local brand có làm fast fashion không nhỉ?