Một quốc gia bất kỳ nào trên thế giới cũng có những nét văn hoá, ẩm thực, trang phục, và bản sắc dân tộc riêng. Trong đó trang phục truyền thống là một trong những hình ảnh quảng bá sâu rộng nhất về chính con người của đất nước đó.
Hiện nay, trang phục truyền thống đang dần có những thay đổi mới mẽ nhằm duy trì và phát triển một cách vượt bậc hơn. Không chỉ thuộc phạm vi tại một quốc gia, trang phục truyền thống của mỗi đất nước đã được thế giới biết nhiều hơn qua những cuộc thi hay những hình ảnh quảng bá trên tivi, đài báo. Và Đông Nam Á là một trong những khu vực được đánh giá có những loại trang phục đặc sắc nhất.
Vậy nên hãy cùng Đồng Phục Hải Triều tìm hiểu kĩ hơn về những bộ trang phục truyền thống của 11 nước Đông Nam Á qua những thông tin bổ ích sau.
- Thổ cẩm là gì? Đặc trưng màu sắc & hoa văn thổ cẩm các dân tộc
- Top 7 loại vải thân thiện với môi trường – chất liệu xanh, bền vững
I. Trang phục truyền thống là gì?
Trang phục truyền thống là áo quần, là loại trang phục truyền thống có từ lâu đời của một quốc gia. Cũng có thể là của một vùng miền, của một nhóm người. Trang phục truyền thống được xem là di sản văn hoá của từng quốc gia, địa phương. Chúng thể hiện cho từng nét văn hoá riêng và là biểu tượng riêng của từng vùng miền.
Mặc trang phục truyền thống giúp củng cổ và tăng tinh thần đoàn kết của một quốc gia. Ngoài ra trang phục truyền thống còn giúp mỗi quốc gia, vùng miền quảng bá hình ảnh, văn hoá đến với nước bạn.
Trang phục truyền thống được sử dụng cho toàn bộ người dân, con người, không phân biệt giàu nghèo hay tầng lớp. Có cùng chung một nét văn hoá, chung ngôn ngữ thì đều có quyền sử dụng trang phục truyền thống.
II. Trang phục truyền thống của các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
1. Việt Nam – Áo dài
Nhắc đến Việt Nam, mọi người nghĩ ngay đến áo dài. Áo dài là một bộ trang phục truyền thống có từ lâu đời, với xuất thân là chiếc áo ngũ thân lập lĩnh, tà áo dài Việt Nam ngày nay đã phát triển nhiều hơn về kiểu dáng và chất liệu. Theo một số tài liệu ghi chép, áo dài Việt Nam ra đời năm 1744, vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoán. Ban đầu là chiếc áo ngũ thân lập lĩnh với 5 phần thân áo được gắn lại với nhau. Về sau chiếc áo dài đã được cải cách theo xu hướng thiết kế Châu Âu có tên là Le Mur. Áo dài lần lượt được ra thay đổi với những cái tên khác nhau như: Áo dài Lê Phổ, áo dài Trần Lệ Xuân, áo dài Raglan…
Cho đến ngày nay một chiếc áo dài có thiết kế cơ bản thường có hai tà xẻ trước sau, cổ áo cao 3cm, tay áo dài. Quần áo dài có độ dài từ eo cho đến mắt cá chân. Tuy nhiên sẽ có những phần cách điệu khác nhằm tạo sự phù hợp cho trang phục trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Áo dài Việt Nam được may từ nhiều chất liệu khác nhau như vải ren, vải nhung, vải lụa, vải voan, vải chiffon, vải gấm. Mỗi chất liệu sẽ được sử dụng để tạo nên một chiếc áo dài hoàn hảo, nhằm phù hợp với những nơi áo dài được sử dụng.
Áo dài Việt Nam còn là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Tà áo dài không những là trang phục được người dân Việt Nam yêu quý, mà còn được thế giới đánh giá cao về tính thẩm mỹ cũng như nét đẹp truyền thống được lưu giữ lại lâu đời.
2. Singapore – Nyonya kebaya
Singapore là quốc gia có nhiều chủng tộc khác nhau. Người Hoa chiếm đến 75% dân số cả nước, 25% dân số còn lại bao gồm Người Malaysia, người Ấn Độ và người Âu – Á. Tuy nhiên Singapore vẫn có một loại trang phục truyền thống riêng biệt, thể hiện cho nét văn hoá đặc trưng ở đây. Và Nyonya kebaya chính là loại trang phục truyền thống của đất nước này.
Nyonya kebaya có nguồn gốc từ Peranakans. Trang phục truyền thống của người Myanmar là luôn đem đến một vẻ đẹp sang trọng và quý phải cho người phụ nữ. Và trang phục thường được may thủ công rất chi tiết. Nyonya kebaya có cấu tạo bao gồm một chiếc áo khoác dài và váy dài. Ngoài ra trang phục còn được sử dụng dự các buổi lễ quan trọng hay tham gia các bữa tiệc.
3. Thái Lan – Chut Thai
Chut Thai là trang phục truyền thống của đất nước Thái Lan. Tên đầy đủ của trang phục là “chut Thai phra ratcha niyom” được dịch ra là trang phục truyền thống đã được quốc gia chận nhận và tán thành. Chut Thai là tên gọi tắt cho trang phục. Trang phục truyền thống của Thái Lan không có lịch sử lâu đời. Vào thế kỷ 20, trang phục mới thực sự được đưa vào sử dụng.
Hoàng hậu Sirikit trong nhiều lần đi thăm ở các nước bạn đã nhận ra rằng Thái Lan cần có một bộ quốc phục để sử dụng trong những sự kiện quan trọng của đất nước. Từ đó đã có rất nhiều thiết kế được ra đời và Chut Thai chính là sản phẩm được chọn để làm trang phục truyền thống cho đất nước này. Đối với nam giới thì vào năm 1970, quốc phục mới thực sự được ra đời nhờ vào những người thợ chuyên thiết kế trang phục cho hoàng gia.
Đối với nữ giới, trang phục truyền thống nhiều loại khác nhau như:
- Ruean Ton: Trang phục có váy dài kiểu ống, áo tay cánh dài tay không cổ. Đây là quốc phục Thái đơn giản và bình thường nhất.
- Chakkri: Được thiết kế với một chiếc váy ống dài có hai nếp gấp ở trước. Trang phục được may như một chiếc khăn quấn quanh từ trên phần thân xuống đất. Phần áo này chỉ che một bên vai.
- Siwalai: Trang phục cũng có một chiếc váy ống dài có hai nếp gấp ở trước, kết hợp cùng với chiếc áo cổ tròn, phần tay áo có độ dài ngang tới khuỷu. Trang phục được sử dụng tại các buổi lễ quan trọng của hoàng gia.
Ngoài ra Chut Thai cho nữ giới còn rất nhiều loại trang phục khác như: Boromphiman, Chitlada, Amarin, Chakkraphat, Dusit. Đối với nam giới tuy có nhiều loại trang phục khác nhau nhưng có một bộ quốc phục chính là suea phraratchathan. Được tạm dịch là “áo sơ mi được Hoàng Gia phong tặng”. Áo được cố định bởi nút ở phía trước, phần tay áo dài hoặc ngắn. Áo sơ mi tay dài sẽ được mặc với thắt lưng cùng với quần tây.
Tuy có nhiều phiên bản khác nhau và được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa số trang phục Thái Lan đều sử dụng gấm để tạo nên vẻ đẹp sang trọng và quý phái.
4. Đông Timor – Tais
Đông timor là đất nước được thành lập muộn ở Đông Nam Á, cũng như là thành viên út của tổ chức ASEAN. Và Tais là quốc phục của đất nước nhỏ bé này. Tais gồm hai loại là mane và feto. Mane có cấu tạo là một chiếc xà rông quấn quanh người, nhưng vắt lên một bên vai. Feto là chiếc váy ống dài và luôn được kết hợp với mane để tạo nên một bộ trang phục hoàn chỉnh. Trang phục được sử dụng vào những ngày trọng đại của đất nước. Hầu như các trang phục đều được may thủ công một cách kĩ lượng và đạt chất lượng cao với những hoa văn thổ cẩm truyền thống.
5. Campuchia – Sampot
Sampot là quốc phục của đất nước Campuchia, khi được các nhà ngoại giao Trung Quốc yêu cầu cần có một loại trang phục chung cho quốc gia. Sampot được biến thể thành nhiều phiên bản khác nhau nhằm phù hợp với từng mục đích sử dụng và nơi cần sử dụng Sampot. Những loại Sampot phổ biến bao gồm:
- Sampot Chang Kben: Là loại trang phục dần bị mai một vào thế kỷ XX. Trang phục bao gồm một tấm vải có chiều dài khoảng 2.7m và chiều rộng 1m. Vải quấn quanh hông và thắt cố định lại ở giữa cùng với một thắt lưng. Theo kiểu quấn này chúng ta sẽ nhìn thấy chúng giống quần hơn là váy. Trang phục thường được phụ nữ mặc trong những dịp đặc biệt.
- Sampot Tep Apsara: Loại trang phục này có từ thời Angkor, trang phục cũng được cố định bằng thắt lưng bằng vàng. Trang phục không còn được sử dụng nhiều hàng ngày, tuy nhiên vẫn được sử dụng tại các buổi biểu diễn apsara diễn ra ở Siem Reap và Phnom Penh.
Ngoài ra còn có áo AkPak, đây là loại áo được kết hợp với Sampot nhằm sử dụng trong những dịp đặc biệt. Áo có hoa văn vẽ tay, phần cổ được may cao, áo AkPak là loại trang phục dành cho phụ nữ. Campuchia có truyền thống dệt lụa từ những thế kỷ trước. Và cho đến nay đây là một ngành nghề vẫn được duy trì và phát triển bền vững. Tất cả các trang phục truyền thống của Campuchia đều được làm từ những dải lụa cao cấp nhất, đem đến một vẻ sang trọng và đẳng cấp cho trang phục.
6. Indonesia – Kebaya
Kebaya là quốc phục của quốc gia Indonesia. Trang phục có nguồn gốc từ văn hoá cũng như truyền thống dệt của đất nước này. Vào khoảng thế kỷ 15, Kebaya là loại trang phục được sử dụng cho quý tộc, hoàng gia. Và sau khi trang phục dần trở nên phổ biến hơn trong đời sống hàng ngày, Kebaya đã được chọn để làm quốc phục cho phụ nữ của Indonesia.
Kebaya bao gồm một chiếc áo có kích thước ôm sát cơ thể, cùng với dải choàng bền ngoài được làm từ chất liệu Batik Stagen. Dải choàng được thiết kế tay dài, phần cổ áo được may mở rộng ra, bề mặt áo khoác còn được thêu hoặc dệt các hoạ tiết như hoa, lá. Kebaya thường được mặc cùng với váy Kain, váy Kain có nhiều nếp xếp ly.
Ngoài là trang phục quốc dân, Kebaya còn trở thành biểu tượng thời trang của Đông Nam Á. Đã có rất nhiều hãng hàng không mang cờ Đông Nam Á sử dụng Kebaya làm trang phục cho tiếp viên nữ, điều hành trên những chuyến bay của họ.
7. Lào – Sinh, Salon
Sinh là trang phục truyền thống của phụ nữ Lào. Đến với đất nước triệu voi này, bạn sẽ luôn thấy những cô gái Lào thật xinh đẹp. Ngoài bộ trang phục truyền thống vốn có, cách bới tóc hay trang trí thêm nhiều phụ kiện trên cơ thể giúp họ luôn nổi bật. Trang phục truyền thống của Lào thường có 3 bộ phận chính như sau:
- Phaa sin: Phaa sin bao gồm 3 phần Phuen sinh, Hua sinh và Tin sin. Là một chiếc váy được quấn quanh phần hông, thường có độ dài đến mắt cá chân. Váy thường được dệt từ lụa hoặc cotton cùng với những hoa văn sắc nét trên bề mặt.
- Suea pat: Là một chiếc áo không có nút, để mặc được phần trang phục này, cần phải quấn mặt phải của mặt trước qua mặt trái của mặt trước, và sau đó hai tấm này sẽ được cố định với nhau bằng dây.
- Pha Biang: Phần áo choàng có bề rộng vải khoảng 40cm. Phần trang phục được mặc bằng cách vắt tấm vải ở bên vai trái kéo xuống lưng sau đó vòng chéo lên ngực, kéo nối qua vai trái và thả rũ ở sau lưng.
Salon là trang phục truyền thống của nam giới. Bao gồm phần quần được may lớn và có nhiều màu sắc đa dạng. Trang phục thường được kết hợp với tất trắng dài đến đầu gối, áo sơ mi. Bên cạnh đó nam giới cũng sẽ sử dụng Pha biang như phụ nữ. Salon được đàn ông sử dụng nhiều vào những ngày lễ quan trọng, hoặc tham gia các cuộc thi lớn nhỏ tại quốc gia.
Trang phục truyền thống của người Lào được dệt từ lụa hoặc gấm. Nên hầu hết các trang phục đều nổi bật và luôn gây ấn tượng với các quốc gia khác trên thế giới.
8. Philippines – Barongs
Trang phục truyền thống của đất nước nghìn đảo này chính là Barongs. Sử dụng chất liệu satin giúp trang phục tạo phom dáng chuẩn hơn. Không chỉ nữ, mà Barongs còn là trang phục truyền thống dành cho nam.
- Barongs nam: Barong nam giới chính là những chiếc áo sơ mi được thêu phần cổ, tay dài cùng với những hoạ tiết hơi hướng về thiên nhiên được hiển thị trên bề mặt vải. Màu sắc chủ yếu của áo là màu trắng và màu xám, hai bên còn được xẻ tà được kéo dài từ hông cho đến đùi.
- Barongs nữ giới: Đối với nữ giới, áo Barongs được may với chất liệu cứng hơn. Áo Barongs được thiết kế với cánh tay có hình dạng như cánh bướm. Bên cạnh đó sẽ có thêm váy, chân váy thường có chiều dài đến mắt cá chân, váy xoè và có bề mặt vải thô, cứng. Ngoài ra chân váy còn nổi bật hơn nhờ vào những hoạ tiết hoa văn và màu sắc đa dạng được thiết kế. Trang phục Barong giúp người phụ nữ Philippines luôn duyên dáng và quyến rũ.
Ngoài Barongs là trang phục truyền thống chính của Philippines, thì tại một số nơi khác trên quốc gia này đều có những trang phục riêng biệt, biểu tượng cho nền văn hoá từng vùng miền khác nhau như: Ifugao, Tagalog, T’boli, Mangyan, B’laan.
9. Brunei và Malaysia – Baju kurung, Baju cara melayu
Brunei vẫn mang trang phục truyền thống có phong cách giống với nước Malaysia. Và phong cách này đã tồn tại từ thế kỷ 15 cho đến tận bây giờ. Hai quốc gia này chịu ảnh hưởng của văn hoá từ Hồi giáo nên có trang phục truyền thống tương tự như nhau. Với phụ nữ, trang phục truyền thống là Baju kurung, với nam giới là Baju cara melayu.
- Baju kurung: Trang phục truyền thống của người phụ nữ được thiết kế với chiếc áo khoác dài kết hợp cùng chân váy dài. Trang phục được sử dụng ở nhiều nơi kể cả trong môi trường làm việc. Ngoài ra trang phục thường có khăn trùm đầu, bởi ở quốc gia này bị ảnh hưởng quy tắc ăn mặc của tôn giáo.
- Baju cara melayu: Theo truyền thống thì trang phục thường là chiếc xà rong có kê sọc hoặc có nhiều hoạ tiết, còn được gọi là sinjang. Còn ngày nay trang phục được cải cách đơn giản hơn, đó là sự kết hợp giữa áo dài và quần dài.
10. Myanmar – Longchy taipon, Thummy
Tại đất nước Myanmar cũng có rất nhiều trang phục truyền thống thể hiện nét văn hoá riêng cho từng vùng miền. Và trang phục của người Miến Điện được xem là loại trang phục phổ biến nhất. Đối với phụ nữ Miến Điện thì Thummy chính là tên gọi của loại trang phục truyền thống này. Còn đối với nam giới thì được gọi là Longchy-taipon.
- Longchy-taipon: Longchy là phần quần được nam giới sử dụng. Tuy nhiên quần Longchy có hình dạng như một chiếc váy. Váy được may với nhiều kích thước khác nhau nhằm có thể phù hợp với phom dáng của từng người. Longchy không có túi nên phải không thể đựng những đồ đạc như điện thoại hay tiền. Longchy sẽ được kết hợp với taipon, là loại áo sơ mi hoặc áo khoác truyền thống.
- Thummy: Thummy là trang phục của phụ nữ người Myanmar. Thummy có cấu tạo tương tự như trang phục của Lào hoặc Thái Lan. Phụ nữ Myanmar có thể sử dụng Thummy ở mọi lúc mọi nơi, và có thể được mặc như một bộ trang phục hàng ngay. Bởi chúng có các đặc điểm tương đối thoải mái, không gây ra sự khó chịu cho người mặc.
Xem thêm:
- Ý nghĩa tà áo dài truyền thống Việt Nam – giá trị qua các thời kỳ lịch sử
- Top 10 loại vải may áo dài đẹp, sang trọng, được ưa chuộng nhất
- Đồng phục Công an Việt Nam – Ý nghĩa màu sắc & quy định từng ngành!
Một số quốc gia Đông Nam Á có vị trí địa lý gần nhau, nên có các trang phục truyền thống hầu như tương tự với nhau. Các trang phục truyền thống đều được sử dụng những chất liệu đẹp và có chất lượng cao, nhằm đem đến sự hoàn mỹ và thể hiện được tầm quan trọng của chúng đối với nền văn hoá của đất nước. Hy vọng qua những thông tin trên, các bạn đã biết được hết về trang phục truyền thống của 11 quốc gia Đông Nam Á, cũng như nắm rõ chi tiết cấu tạo của từng bộ trang phục. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết, chúc các bạn một ngày mới vui vẻ.
Có thể bạn quan tâm:
Trang phục của người Lào rất đẹp, trang nhã.
Trang phục Thái rất đẹp. Tôi rất thích thời trang truyền thống của Đông Nam Á.